Trước thềm năm học mới: Ðã đầu tư xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất trường học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Bước vào năm học mới 2013-2014, Trường Tiểu học N’ Trang Lơng ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) có 536 học sinh, trong đó có trên 70% học sinh là dân tộc thiểu số. Năm học này, nhà trường có niềm vui là được chuyển về một ngôi trường mới, với 8 phòng học hai tầng, khang trang vừa được xây dựng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia.

 1563-GD-1

 Trường Tiểu học N’ Trang Lơng ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) trong thời điểm đang xây dựng,  được đưa vào sử dụng trong năm học mới này

Còn tại Trường THCS Ngô Quyền ở xã Quảng Tân (Tuy Đức), trước khi bước vào năm học mới cũng đã kịp hoàn thành các công trình như sân trường, cổng trường, đường vào trường bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Tuy Đức thì nhằm chuẩn bị cho năm học mới 2013-2014, ngay thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ hè, địa phương đã tiến hành tu sửa, xây mới phòng học để xóa bỏ dần phòng học tạm, mượn, đảm bảo nhu cầu học tập tốt nhất cho học sinh trên địa bàn.

 

Từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư hơn 38 tỷ đồng để xây mới 59 phòng học mới, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 147 phòng; đồng thời sửa chữa 20 phòng học xuống cấp ở các trường ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, toàn huyện cũng đã được đầu tư 1,4 tỷ đồng để đóng mới 414 bộ bàn ghế học sinh và giáo viên, trang bị 19 bảng chống lóa, mua mới 67 máy vi tính phục vụ cho các trường học.

 

Tương tự, năm học mới này, huyện Krông Nô có 42 trường học các cấp, với 597 lớp, gần 16.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, địa phương cũng đã tập trung xây dựng mới và sửa chữa hệ thống phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ. Trong đó, huyện đã ưu tiên tối đa nguồn vốn cho bậc học mầm non nhằm đạt mục tiêu về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2014.

 

Do số lượng phòng học tạm, mượn còn cao, lại tập trung chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân di cư tự do nên các đơn vị trường học đã gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh các độ tuổi kế cận trẻ 5 tuổi và không thực hiện được mô hình bán trú. Vì vậy, ngay từ cuối năm học 2012- 2013, ngành giáo dục huyện đã lên kế hoạch và triển khai xây mới 20 phòng học, đầu tư sửa chữa các phòng học tạm, xây dựng 3 nhà vệ sinh, 2 giếng nước…

 

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo thì năm học 2013-2014 từ bậc mầm non đến THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên có 359 trường, tăng 10 trường so với cùng kỳ năm học 2012-2013; tổng số học sinh là 149.798 em, tăng so với cùng kỳ năm học trước là 3.466 học sinh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng đủ các phòng học, với quy mô trường, lớp đạt chuẩn, ưu tiên cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Theo đó, năm học 2013-2014, toàn ngành Giáo dục đã được đầu tư trên 84 tỷ đồng để xây dựng mới 170 phòng học và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngay trong học kỳ I, nâng tổng số phòng học kiên cố trong toàn tỉnh lên 1.940 phòng. Bên cạnh đó, bằng nguồn huy động xã hội hóa, các trường học đã tiến hành tu sửa, làm mới các công trình phụ như nhà vệ sinh, cổng trường, tường rào, sân trường, nhà để xe, nhà bếp phục vụ bán trú… Cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, ngành Giáo dục cũng đã đầu tư kinh phí trên 34 tỷ đồng để mua sắm sách giáo khoa, vở viết và các thiết bị dạy học…

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền