Nhà giáo đi đầu trong đổi mới giáo dục

Lượt xem:

Đọc bài viết

Vai trò, vị thế của người thầy ngày càng được đề cao

(GD&TĐ) – Xưa nay, nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh là nghề cao quý, bởi dù bạn là ai , bạn cũng từng qua bàn tay nhào nặn của ít nhất một “kỹ sư tâm hồn”. Trong xu thế phát triển chung, vai trò, vị trí của người thầy luôn được khẳng định và củng cố. Hãy cùng nhìn nhận về nghề giáo thời nay từ góc nhìn của người trong cuộc.

Thầy giáo là nhà giáo dục

Là một người công tác lâu năm trong môi trường sư phạm, PGS.TS Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên – chia sẻ: Trong xã hội hiện đại, vị trí vai trò của người thầy càng được xem trọng bởi chức năng dẫn dắt, định hướng, khuyến khích người học với vai trò quan trọng là cố vấn, thúc đẩy động cơ của người học.

Cần nhìn nhận thầy giáo là nhà giáo dục chứ không phải chỉ là người truyền đạt tri thức. Chức năng của người thầy rộng hơn ở các phạm vi hoạt động cơ bản: Tổ chức dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, giao tiếp với học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng và xã hội.

Ngày nay, người thầy được đề cao còn bởi vai trò truyền cảm hứng cho người học, làm cho người học ý thức và tự giác cao độ về việc học với sự nỗ lực của cá nhân, đồng thời năng lực sáng tạo được khai mở và được tạo môi trường để thể hiện các năng lực của bản thân.

Người thầy trong nhà trường sư phạm còn cần nhiều hơn thế và bao trùm hệ thống năng lực của một chuyên gia giáo dục. Người thầy trong nhà trường sư phạm – “thầy của các thầy” còn phải có trách nhiệm cao hơn, đó là trách nhiệm với con người, với công việc và phải có tình yêu thương con người thật sự.

Nhân cách người thầy là “phương pháp sư phạm” tốt nhất; Môi trường chuyên nghiệp là điều kiện tốt nhất để hình thành nhân cách chuyên gia sư phạm.

Do vậy cần tập trung vào người thầy sư phạm, nhà trường sư phạm, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Học 10 để dạy 1

Một trong những phương pháp đổi mới của hoạt động dạy và học hiện nay là “Lấy học trò làm trung tâm” hay “giáo dục hướng về người học”, trong đó trò là chủ thể, thầy là tác nhân của quá trình dạy học.

Quan điểm dạy học, giáo dục hướng vào người học đã có từ lâu và cũng đã từ lâu, trong lí luận khoa học giáo dục nhấn mạnh vai trò của người học là quyết định (tự học); Vai trò của người thầy  hỗ trợ dẫn đường, thúc đẩy và khuyến khích người học…cũng đã nói nhiều.

Tuy nhiên, thực tiễn giáo dục chưa diễn ra được như vậy, điều này có nhiều nguyên nhân. Mọi sự thay đổi đều vấp phải một trở lực từ góc độ văn hóa (như thói quen, cách nhìn…), do vậy có sự “ngộ nhận” về vị trí vai trò “mất đi” của mình ở một số giáo viên, cũng là cách quan niệm chưa hiểu đúng bản chất của giáo dục, của dạy học.

Thực chất quá trình dạy học luôn hướng vào người học, vì người học mà người thầy phải nỗ lực gấp nhiều lần (học 10 dạy 1, sự chuẩn bị bài giảng âm thầm, tích lũy cả cuộc đời…). Trong quan hệ thầy – trò ở trên lớp và ngoài lớp thể hiện rất rõ sự định hướng quan trọng của người thầy và vai trò chủ động của người học. Như vậy, vị trí vai trò của người thầy càng được đề cao, càng được coi trọng.

Làm thầy “phi sư phạm”

Quan niệm về nghề dạy học ngày nay càng đề cao tính chất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong lịch sử và hiện nay vẫn xuất hiện những người có năng lực sư phạm thông qua hoạt động thực tiễn và được thực tiễn (người học, gia đình người học và xã hội…) chấp nhận. Có thể họ không học qua trường lớp bài bản ngay từ đầu nhưng thực tiễn đã chứng minh năng lực thực tế.

Với hệ thống năng lực mới về chuẩn nhà giáo ngày nay, chắc chắn nhà giáo cần phải được đào tạo cơ bản, hệ thống hơn trước. Chúng ta cần quan niệm đầy đủ hơn về “học sư phạm”. Đó là một quá trình: Đào tạo trong nhà trường sư phạm, trải nghiệm ở thực tế nghề nghiệp, thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng… hơn là có bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm.

Đổi mới cần đồng bộ và đồng tâm

Đối với hàng triệu giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học bây giờ, đứng trước một công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản đều xuất hiện những suy nghĩ mới, tư duy mới về cách thức tổ chức giảng dạy, trên cơ sở hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của Bộ GD&ĐT.

Vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục là phải thay đổi từ chính đội ngũ người thầy thì mới có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bền vững. Sở GD&ĐT và các trường sư phạm phải cùng chú trọng 2 việc quan trọng để đáp ứng yêu cầu chung là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên: Các sở GD&ĐT cần chú trọng đào tạo lại giáo viên; Các trường sư phạm cần bám sát tinh thần cơ bản, những nhiệm vụ quan trọng của đề án để đưa vào chương trình đào tạo mới giáo viên.

Trong nội dung đào tạo lại, bên cạnh những quan điểm, những nguyên tắc, định hướng chỉ đạo chung, tất cả các cấp học cần thay đổi mạnh mẽ phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trong tất cả các trường học. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường phổ thông phải chỉ đạo quyết liệt và gắn kết mật thiết.

Coi giáo viên là trung tâm, là hạt nhân của đổi mới thì bản thân hiệu trưởng các trường phổ thông – Giám đốc sở GD&ĐT địa phương – Các trường sư phạm phải trở thành một hệ thống gắn kết, tìm ra cách bồi dưỡng tốt nhất cho giáo viên.

Các trường sư phạm – Cỗ máy cái của quá trình đổi mới phải nắm bắt nhanh nhạy, cập nhật liên tục những chuyển động từ nhỏ nhất của hệ thống (từ đổi mới phương pháp, tài liệu đào tạo giáo viên … ).

Bản thân giáo viên không chỉ cần được chuẩn bị tư tưởng mới mà còn phải chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng hành động, phù hợp với tình hình phát triển chung. Tất cả cần phải vào cuộc trong khí thế mạnh mẽ, đồng bộ và đồng tâm thì giáo dục mới có thể đạt mục tiêu “đổi mới căn bản và toàn diện”.

                                                                      Bảo Minh – Giáo duc và thời đại