Đề thi tốt nghiệp THPT 2015 vẫn theo cấu trúc năm 2014

Lượt xem:

Đọc bài viết

Về cơ bản, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 do Bộ GD-ĐT mới ban hành nhận được sự đồng thuận cao của dư luận vì đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh nhưng vẫn còn một số băn khoăn từ phía nhà trường, thí sinh. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về một số vấn đề liên quan.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

– Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, đánh giá cao việc đã tạo thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn nhiều thí sinh mong muốn Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi để thí sinh yên tâm?

>> Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Quy chế đã nêu rõ, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD-ĐT yêu cầu đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu: nội dung đề thi đáp ứng quy định; đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH-CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng. Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10.

Theo quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành, hội đồng ra đề thi ngoài đại diện cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục còn có cán bộ soạn thảo đề thi và cán bộ phản biện đề thi là giảng viên các trường ĐH-CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Vì vậy đề thi sẽ bảo đảm đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản đã nêu. Chúng tôi cũng yêu cầu đề thi phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn của đề thi và hướng dẫn chấm thi trong khu vực ra đề thi từ lúc bắt đầu soạn thảo đề thi cho đến hết thời gian thi của môn cuối cùng của kỳ thi.

Để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã không ban hành cấu trúc đề thi mà ban hành hướng dẫn ôn tập. Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá năng lực, do vậy các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như trước đây.

– Như vậy có phải đề thi năm 2015 vẫn sẽ theo cấu trúc như đề thi năm 2014, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy, đề thi vẫn sẽ theo cấu trúc năm 2014. Về lâu dài sẽ thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, tức là theo bài thi tổng hợp. Còn năm 2015 này chưa thể thay đổi ngay theo bài thi tổng hợp được vì muốn vậy phải thay đổi cách dạy và cách học.

Đề thi năm 2015 vẫn theo hướng mở, tăng cường việc vận dụng kiến thức của học sinh, không bắt học sinh phải học thuộc nhiều và cấu trúc đề thi bảo đảm cả kiến thức cơ bản lẫn nâng cao, đáp ứng yêu cầu phân loại tốt học sinh cho cả mục đích công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hóa thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ). Đề thi những năm gần đây, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn, đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của mình vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn sẽ có kiến thức về lịch sử, địa lý, giáo dục công dân…); khắc phục tình trạng học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.

Thí sinh dự thi vào ĐH Bách khoa TPHCM năm 2014 trao đổi bài làm sau giờ thi môn Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

– Ngoài vấn đề đề thi, một vấn đề mà nhiều thí sinh vẫn đang băn khoăn dù đã có quy chế, đó là vấn đề cụm thi. Thứ trưởng có thể nói rõ thêm về vấn đề này, nhất là cụm thi ở tỉnh chỉ dành cho thí sinh thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT? Bao giờ thì Bộ GD-ĐT công bố danh sách các cụm thi?

Tiếp thu ý kiến của dư luận, quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành đã quy định rõ 2 loại cụm thi. Cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Cụm thi này tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT. Cùng với đó là cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã làm việc với Ban chỉ đạo và các tỉnh ở Tây Nam bộ, trong tuần này sẽ làm việc với Ban chỉ đạo và các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc để chốt danh sách các cụm thi. Sau đó Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngay cho thí sinh và các trường biết, chuẩn bị cho kỳ thi. Mục tiêu của chúng tôi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh trong công tác thi cử. Vì vậy, chắc chắn việc đi lại của các em sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với các năm trước đây.

– Một vấn đề mà nhiều trường cũng như thí sinh vẫn còn băn khoăn, đó là việc quy chế thi tuyển sinh ĐH-CĐ cho phép mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/nhóm ngành khác nhau của một trường. Có ý kiến cho rằng, tại sao không cho các em đăng ký vào nhiều trường khác nhau mà chỉ cho đăng ký vào nhiều ngành của một trường trong một đợt xét tuyển?

Điều này chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, với ý kiến của nhiều chuyên gia nên không thể thay đổi được nữa. Trước đây, mỗi giấy chứng nhận kết quả thi các em chỉ được đăng ký xét tuyển một ngành của một trường. Nay được đăng ký xét tuyển tới 4 ngành trong một trường, như vậy là đã mở rộng quyền lợi của thí sinh rất nhiều. Nếu chúng ta cho thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều trường trong một đợt sẽ tạo nên hồ sơ ảo rất lớn, gây sự vất vả cho các trường và ngay cả thí sinh cũng sẽ khiến các em khó khăn vì lượng hồ sơ ảo lớn. Vì vậy, mỗi đợt xét tuyển thí sinh không nên đăng ký nhiều trường. Điều này Bộ GD-ĐT đã cân nhắc kỹ rồi. Chúng tôi dự tính ngay đợt xét tuyển đầu tiên các trường đã tuyển được 70% chỉ tiêu; chỉ còn lại khoảng 30% cho các đợt xét tuyển bổ sung.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

LÂM NGUYÊN (thực hiện