Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia: Đánh giá từ giáo viên và học sinh
Lượt xem:
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để giáo viên và học sinh tham khảo, các cơ quan báo chí đã cho đăng tải rất nhiều ý kiến bình luận, góp ý của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo và các em học sinh về các đề minh họa này. Các ý kiến đều cho rằng: đây là loại đề được xây dựng rất công phu, phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh và phù hợp với mục đích của kỳ thi.
Báo Dân trí dẫn ý kiến của thầy giáo Nguyễn Quốc Chí cho biết: Các nội dung của đề thi đều năm trong chương trình 12, được chia rải đều, hỏi rất chi tiết, sâu sắc với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau. Đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luân. Hình thức thi trắc nghiệm năm nay của Bộ thì hoàn toàn xóa bỏ hình thức học tủ vốn tồn tại lâu nay.
Thầy Chí cũng chia sẻ: “Việc Bộ công bố đề thi minh họa sớm đã tạo cơ hội để các em học sinh sẽ có đủ thời gian để ôn tập tốt, đạt kết quả như mong muốn tại kì thi THPTQG năm 2017”.
Theo thầy giáo Lại Tiến Minh, giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Đề thi trắc nghiệm môn Toán sẽ phát huy được đầy đủ các ưu điểm của mình, đồng thời đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng thí sinh, tránh được việc học lệch, học tủ của học sinh.
Báo Vietnamnet cho đăng ý kiến của thầy Phan Văn Thái, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Đề thi thể hiện tính phân hóa tốt khi có đầy đủ các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cái hay của đề mẫu là “quét” hết được toàn bộ chương trình. Thậm chí, những câu hỏi mà trước nay thi tự luận không thể ra được để “nhường đất” cho những bài toán truyền thống thì với hình thức thi trắc nghiệm năm nay tận dụng ra được một số bài toán có liên hệ thực tế như lãi suất, cắt tôn…
Báo Thanh niên dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Thiện, Tổ trưởng tổ toán Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Đề thi minh họa môn toán khá hay. Dù kiến thức trong đề thi chỉ thuộc chương trình lớp 12 nhưng phạm vi kiến thức trải rộng khắp chương trình. Có những vấn đề các năm trước chưa bao giờ đề cập thì xuất hiện trong đề năm nay, vì vậy học sinh không thể học lơ mơ hoặc tập trung vào một số vấn đề.
Báo Người Lao động dẫn ý kiến của ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho biết với đề thi minh họa này, Bộ đã hạn chế tối đa việc HS có thể dùng máy tính để suy luận ra câu trả lời (chỉ có 4/50 câu là HS có thể dùng được máy tính).
Báo An ninh Thủ đô đăng ý kiến của TS Lê Thống Nhất cho rằng, với ưu thế về số câu ở hình thức trắc nghiệm nên các kiến thức toán lớp 12 có trong đề được phủ rộng hơn so với đề tự luận. Mặt khác, với 50 câu nên các dạng bài có tính “đánh đố” đã không xuất hiện mà tất cả đều là các câu liên quan tới các kiến thức toán cơ bản trong chương trình từ mức độ kiểm tra kiến thức tới mức độ vận dụng sự hiểu biết.
Với những chia sẻ này, TS Lê Thống Nhất bày tỏ điều mong muốn là các thầy cô hiểu đúng về dạy thi trắc nghiệm môn toán, các em học sinh cũng không nên hoang mang với hình thức thi mới.
Báo Người Lao động trích ý kiến của ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP HCM) nhận xét về môn Vật lý cho biết: Với cấu trúc và đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra khá hợp lý, phạm vi kiến thức trong đề thi hoàn toàn nằm ở chương trình lớp 12. Đề thi cũng có độ phân hóa rất tốt, có câu hỏi đã yêu cầu phải có ứng dụng thực tế, đó là ứng dụng một chút kiến thức tích hợp vật lý.
Báo Tuổi trẻ viết: Đề thi mẫu môn khoa học xã hội đã xóa tan nỗi âu lo của giáo viên và học sinh khi môn sử không yêu cầu thí sinh phải nhớ những số liệu như thời gian, địa điểm… Đó là ý kiến của nhiều giáo viên môn sử ở TP.HCM.
Báo cho đăng ý kiến của ThS Nguyễn Viết Đăng Du – tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn – phân tích: “Nếu đề thi chính thức mà ra giống đề thi mẫu thì rất vừa sức với thí sinh. Cái được nhất của đề thi là những câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức và sự hiểu biết về vấn đề lịch sử, chứ không kiểm tra khả năng học thuộc lòng của thí sinh.
Nhận xét về đề minh họa môn Lịch sử với báo Vietnamnet, ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh giáo dục lịch sử tại Nhật Bản cho biết: Đề thi này nếu được sử dụng để đánh giá tốt nghiệp sẽ giúp cho nhiều người có trách nhiệm yên tâm vì hạn chế được hiện tượng “hàng ngàn điểm không môn lịch sử” vốn đã từng liên tiếp xảy ra trong nhiều năm gần đây.
Nhìn một cách tổng thể, nếu như đề thi chính thức được đưa ra tương tự như đề thi minh họa này, việc thi cử sẽ diễn ra không quá căng thẳng và cho kết quả về điểm số tương đối lạc quan.
Trả lời báo Thanh niên về đề thi minh họa môn Văn, ông Trương Minh Đức, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) phân tích với thời lượng 120 phút, nội dung và lượng kiến thức được thể hiện trong đề thi minh họa khá phù hợp.
Về môn Ngoai ngữ, bà Lê Thu Hương, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), nhận xét: Đề thi chính thức nên bớt số câu của phần đọc hiểu để bù vào phần từ vựng, ngữ pháp thì sẽ hợp lý hơn, tuy nhiên thời gian làm bài với môn tiếng Anh như vậy là phù hợp.
Báo Tiền phong dẫn: Lần đầu được đưa vào thi THPT quốc gia, môn Giáo dục công dân cũng khiến giáo viên, học sinh băn khoăn, lo lắng về cách dạy học. Tuy nhiên, sau khi đề thi minh họa được công bố, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng: “Kiến thức trong đề không đánh đố, học cơ bản có thể dễ dàng đạt điểm cao”.
Từ đề thi minh họa của Bộ, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang, Giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội đã đưa ra những nhận định về đề thi cũng như “mách nước” cách học, cách thi cho thí sinh trên báo Tiền phong: “Tôi cho rằng, đề thi trắc nghiệm môn GDCD cũng rất thuận lợi cho việc tổ chức học tập của học sinh. Với cấu trúc đề thi này, học sinh không nên quá lo lắng mà chỉ cần học đầy đủ, học kỹ kiến thức ở trên lớp và làm bài tập luyện tập củng cố, vận dụng thì có thể làm được và làm tốt bài thi” – cô Trang khẳng định.
Cũng thông tin từ các báo cho biết: để chuẩn bị tốt cho kỳ thi năm tới, các trường cho biết để HS kịp làm quen phương án thi mới, các trường đã tổ chức họp các tổ giáo viên để triển khai sinh hoạt chuyên đề theo hình thức thi trắc nghiệm. Các giáo viên cũng được khuyến khích tìm tòi, điều chỉnh cách dạy, luyện HS phương pháp học, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Riêng các môn trong tổ hợp môn khoa học xã hội, đặc biệt có môn giáo dục công dân, trường đã họp với giáo viên lên kế hoạch dạy học cụ thể.
(Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục – Moet.gov.vn)